Gameshow giải trí: Khi món ăn đã nhạt miệng

Khách mời nhẵn mặt, khán giả lèo tèo, nội dung chương trình đã quá ngán… chưa lúc nào các chương trình gameshow của Việt Nam lại rơi vào cảnh chợ chiều như hiện nay. Khán giả hẳn cũng đã bứ cổ khi hàng tuần phải ăn thứ thực đơn thiếu gia vị.

Thực đơn gameshow vào các tối trên VTV3 khiến khán giả trở nên phát ngấy vì đã khá lâu rồi, khán giả vẫn phải ăn những món ăn quen thuộc với những thứ gia vị không có chút mới mẻ. Không thể đổi mới hơn, lại chưa thể khai tử, một số gameshow chỉ còn cách chuyển giờ phát sóng.
Với những ưu tiên cho Hợp ca tranh tài phát sóng trực tiếp trên VTV3 vào tối thứ 6, Trò chơi âm nhạc đã phải đổi sóng sang tối thứ 4
Những gameshow đủ nhàm, đủ chán và bị phàn nàn nhiều nhất là những trò kỳ cựu như Trò chơi âm nhạc, Chiếc nón kỳ diệu, Đấu trường 100, Hãy chọn giá đúng… vẫn tại vị.
Sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế với những sóng giờ vàng, đặc biệt là giờ vàng trực tiếp đẩy nhiều gameshow xuống những giờ khó có thể du nhập cho khán giả. Với những ưu tiên cho Hợp ca tranh tài phát sóng trực tiếp trên VTV3 vào tối thứ 6, Trò chơi âm nhạc đã phải đổi sóng sang tối thứ 4. Đồng nghĩa với nó, chương trình giải trí mang tính quảng cáo là Hãy chọn giá đúng phải lùi sóng vào trưa chủ nhật.
Gần 10 năm có mặt trên sóng VTV3 và đã ba lần đổi format, Trò chơi âm nhạc chứng minh mình là đàn anh, đàn chị gameshow thiếu muối nhất đến giờ. Vẫn MC và 2 đội trưởng không xa lạ, may rủi ở cách mở ô… còn câu trả lời thì… chẳng khó khăn để đoán chữ. Hai đội chơi giống như một cuộc giao hữu trên sân đấu ca nhạc mà không có sự kịch tính thắng thua. Khách mời tham dự hai cuộc chơi thì cũng nhẵn mặt trên truyền hình, có những ca sĩ tái xuất liên hồi ở cuộc chơi. Có những show diễn, quang cảnh trường quay đìu hiu vô tận khi chỉ có chừng 4 người ngồi ở vị trí khán giả cổ vũ – không đủ để làm nên sự hào hứng cho chương trình.
Cũ không thể cũ hơn và nhạt không gì nhạt bằng, Chiếc nón kỳ diệu là món ăn mà khán giả đã không thể tiêu hóa trong nhiều năm nay. Cũng có những chuyển biến tích cực ở người lật ô chữ, nhưng xem ra, thứ gia vị này không đủ để một gameshow phát sóng vào buổi trưa chủ nhật níu được khán giả ngồi xem truyền hình.
Song ca cùng thần tượng vốn dĩ xuất phát ở phiên bản đầu tiên rất thực tế và rất lôi cuốn. Nhưng khi năm thứ hai lên sóng, với những sự sắp xếp bài bản và chỉ có phần trình diễn của ba thí sinh lọt vòng trong cùng khiến chương trình này chẳng khác gì một show ca nhạc cứng nhắc, mô phạm, thiếu gay cấn và mất đi hẳn tính thực tế vốn có của nó.
Chung cảnh đìu hiu đó, dù có được số lượng người tham gia khủng như Đấu trường 100 hay Hãy chọn giá đúng, nhưng hai gameshow này cũng chẳng mấy làm khán giả phấn khích
Nhàm, chán và cũ nhưng Chiếc nón kỳ diệu vẫn định kỳ lên sóng trưa thứ bảy hàng tuần
Trong khi đó, SV phiên bản mới – một trong những chương trình được chờ đợi của năm 2012 đã chính thức lên sóng từ hơn 1 tháng nhưng hiệu ứng quả thật vẫn chưa được tốt, cũng bởi nó không có được giờ vàng vào buổi tối trên VTV3.
Sự chen chúc của các gameshow cũ với các show truyền hình thực tế mới khiến nhiều gameshow rơi vào tình thế phải di chuyển sang hẳn một kênh khác hoặc tự đào thải. Một vài chương trình yêu thích đã phải rời sóng sang VTV6 như Bài hát Việt. Một seri các chương trình mới sắp lên sóng, các chương trình cũ định kỳ quay vòng năm 1 cũng dồn dịch chờ sóng… cuộc cạnh tranh của những cái tên như Bước nhảy hoàn vũ, VN’s Got Talent, The Voice, Bài hát yêu thích, Con đường âm nhạc… chắc rồi sẽ nan giải.
Dù biết, các gameshow vẫn là cái nồi cơm của nhiều công ty giải trí hoặc hoạt động ở lĩnh vực truyền thông, nhưng món ngon, ăn mãi cũng nhàm chứ đừng nói gì món ăn không còn ngon nữa. Việc đổi khẩu vị là một cách mà đầu bếp thông minh sẽ phải làm vào lúc bùng nổ các show truyền hình thực tế. Đừng bắt khán giả ăn mãi món ăn cổ truyền…
Theo VnMedia
Copyright 2009 Simplex Celebs All rights reserved Designed by SimplexDesign