Amsterdam(thủ đô của Hà Lan) có thể xem như là thành phố xe đạp với số xe đạp nhiều hơn cả số cư dân của thành phố này: hơn 1 triệu xe đạp trên tổng số 750.000 dân. Nhiều dịch vụ cho tour xe đạp mọc lên với giá ưu đãi 19 euro cho đối tượng có thẻ sinh viên. Còn tôi thì thích tự mình khám phá nên không gia nhập đoàn mà chỉ thuê một chiếc với giá xe đạp với giá 5 euro để loanh quanh Amsterdam.
Cầm trên tay bản đồ, đeo trên người máy ảnh, phóng trên chiếc xe đạp thuê, tôi vòng vèo từ quảng trường Dam, qua cây cầu bắc ngang dòng sông Amstel, qua những cối xay gió, nhà máy phô mai, nhà máy kim cương, xưởng giầy. Không thể thiếu trong danh sách dừng chân là cung điện Hoàng Gia, đài tưởng niệm quốc gia, cầu Skinny, chợ Albert Cuyp, chợ hoa.
Buổi tối là thời gian dạo quanh đường Zeedijk nơi lúc nào cũng nhộn nhịp về đêm với các quán bar và nhà hàng, dấu ấn của một thời qúa khứ là nơi các thủy thủ tìm vui. Tại đây bạn dễ dàng bắt gặp những cô gái chỉ mặc quần lót ngồi bên cửa sổ dưới ánh đèn neon dọc con đường với các tòa nhà cổ kính là. Đây là điều ngạc nhiên thú vị cho những ai lần đầu tiên đến nhưng lại là hình ảnh quá bình thường của Amsterdam. Thỉnh thoảng vài cô gái gõ chiếc nhẫn kim loại của mình vào cửa sổ để trêu ghẹo hay thu hút sự chú ý của bạn, hay thậm chí đùa nghịch nhảy xuống người bạn để buộc bạn dừng lại.
Vòng vèo qua quanh Amsterdam tôi còn gặp khá nhiều trong số 37 bảo tàng của thành phố này. Trong đó đặc biệt nổi tiếng là ngôi nhà Anne Frank, nơi lưu giữ câu chuyện về quyển Nhật kí của một cô gái trẻ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Nếu muốn thử thách lòng dũng cảm thì đến Amsterdam Dungeop, hay bạn cũng có thể dừng chân tại bảo tàng Van Gogh, bảo tàng phim, bảo tàng báo chí. Tôi thì thích bảo tàng sáp hơn cả, nơi bạn có thể gặp Beyoncé, Jenifer Lopez, Ronaldinho, Brad Pitt và Angelina Jolie, hay thuyền trưởng Jack Sparrow trong cướp biển Caribê có thể bất thình lình hôn bạn hoặc dọa bạn sợ chết khiếp.
Cuối cùng tôi dừng lại trong một cửa hàng bán guốc gỗ đặc trưng của Hà Lan. Nguồn rừng bạch dương phong phú của Hà Lan đã cung cấp cho người dân nước này một lượng gỗ dồi dào để làm guốc. Chiếc guốc này được ra đời xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của người Hà Lan xưa muốn có một loại giầy dép thích hợp để tránh ẩm ướt khi đi qua đầm lầy và tránh bị bò dẫm lên chân trong khi vắt sữa. Giờ đây chiếc guốc đặc biệt này đã trở thành nét văn hóa nhận diện của Hà Lan, là vật trang trí trên tường, là sản phẩm lưu niệm đắt hàng, là nét duyên trong những điệu khiêu vũ.
Amsterdamnhiều xe đạp là thế, nhưng điều ngạc nhiên là nhìn quanh chỉ thấy những chiếc xe đạp gỉ sắt, lỗi thời và cũ kĩ. Không phải dân Amsterdam không đủ tiền để sắm cho mình một chiếc xe đạp mới, mà là tệ nạn trộm xe đạp hoành hành ở đây khiến cho việc sở hữu một chiếc thật oách chỉ rước lo vào mình.
Không đếm hết bao nhiêu nụ cười từ những người xa lạ trên đường tôi nhận được trong 1 ngày đạp xe quanh Amsterdam, kể cả nụ cười từ một người tôi lỡ quẹt trúng khi băng ngang phố.
Thanh Nga