Đến với thơ từ khi còn là cậu học sinh trường làng, sau đó tham gia sinh hoạt tại nhóm sáng tác “Hoa cát” của tỉnh Nghệ An, “tác giả nhí” Hồ Huy Sơn đã tốt nghiệp ĐH được ba năm và hiện là phóng viên tại TP HCM. Nhưng tình yêu với văn chương trong anh vẫn vẹn nguyên như thuở nhỏ. Bên cạnh sự bận rộn của nghề báo, anh vẫn dành thời gian cho sáng tác và đều đặn đoạt những giải thưởng cho cả thơ và truyện ngắn. Tập sách thứ ba của Hồ Huy Sơn có tên "Cơm nhà, cơm người" vừa được NXB Trẻ ấn hành.
Tác giả Hồ Huy Sơn.
Mỗi người một cách theo đuổi văn chương
- Tập truyện ngắn“Cơm nhà, cơm người” nghe có vẻ rất đúng tâm thế của một kẻ tha hương đang kiếm sống tại Sài Gòn. Anh đặt tên truyện tình cờ hay có sự ám chỉ?
- Thực ra, cái tên này là do phía nhà xuất bản chọn. Truyện ngắn Cơm nhà, cơm người được tôi viết cách đây khá lâu, khi đang theo học tại Hà Nội. Đương nhiên, lúc đó tôi hoàn toàn chưa có ý niệm hay ám chỉ về “tâm thế của một kẻ tha hương đang kiếm sống tại Sài Gòn”. Nhưng sau khi sách ra, một số bạn bè của tôi cũng cười và khuyên tôi nên “quảng cáo” sách theo hướng: đây là nỗi nhớ của những người con tha hương đang kiếm sống ở Sài Gòn.
- Vậy sao anh không làm theo lời khuyên của bạn bè?
- Theo tôi hiểu, lời khuyên đó chỉ là câu bông đùa lúc trà dư tửu hậu. Hơn nữa, nếu làm vậy thì có vẻ như tôi đang tự mình áp đặt lên những tác phẩm của mình. Cơm nhà cơm người chỉ là một sự tình cờ khi được “gọi tên”, nó hoàn toàn không mang tâm thế của tác giả.
- Dù đã ra hai tập sách, một tập truyện, một tập thơ nhưng dường như bạn đọc vẫn biết đến một Hồ Huy Sơn làm thơ nhiều hơn. Đến tập truyện “Cơm nhà, cơm người” lần này anh có mong tình thế sẽ đảo ngược?
- Có thể, do trước đây tôi làm và công bố thơ nhiều hơn. Ngoài ra, tôi cũng tham gia vào nhiều hoạt động của thơ như trình diễn tại Sân thơ Trẻ trong Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu, các cuộc thi về thơ... Để viết được một truyện ngắn cần rất nhiều thời gian nên việc công bố cũng có phần ít hơn. Tôi không câu nệ việc người đọc biết đến mình với tư cách là nhà thơ hay nhà văn, cứ biết đến tác giả cùng tác phẩm của mình là vui rồi! Bởi vậy, tôi cũng không mong tình thế đảo ngược. Với tôi, tập truyện ngắn này rất có ý nghĩa, nó là nguồn động lực để tôi tự tin hơn khi bước chân sang lĩnh vực văn xuôi. Chỉ đơn giản vậy thôi!
Trang bìa cuốn sách.
- Khi ở Hà Nội, anh in thơ cũng như tham gia các hoạt động thơ ca khá đều đặn, nhưng từ ngày vào Sài Gòn thì điều ấy ít đi. Phải chăng sự khắc nghiệt của một vùng đất mới với một người mới đã lấy đi những khoảng thời gian dành cho thi ca?
- Đúng là cuộc sống của Sài Gòn trái ngược hẳn với Hà Nội: ồn ào hơn, sôi động hơn và gấp gáp hơn. Trong hành trình kiếm sống đó, thời gian dành cho thơ ca trở nên hiếm hoi hơn bao giờ hết. Tôi mừng vì sống trong môi trường khắc nghiệt như vậy, nhưng mình vẫn luôn có thời gian, dù không nhiều cho văn chương. Có thể so với những bạn viết cùng thế hệ và cùng sống ở Sài Gòn, tôi chưa có nhiều thành tích nổi bật nhưng tôi nghĩ, mỗi người có một cách để yêu và theo đuổi văn chương.
- Và cách của anh là…?
- Tôi quan niệm: sống đã rồi hãy viết. Thời gian dành cho cuộc sống mưu sinh khá nhiều nên đó cũng là một nguyên nhân khiến tôi viết ít hơn. Hơn nữa, trong cảm nhận của mình, tôi thấy càng lớn mình càng trở nên lặng lẽ hơn, sự hào hứng dành cho các cuộc vui cũng giảm đi. Nhưng tình yêu cho văn chương, may mắn thay là vẫn còn nguyên vẹn.
Tác phẩm: Quá khứ + Hiện tại
- Bạn bè anh nhiều người nhận xét, “chất” của Hồ Huy Sơn là chất xích lô chứ không phải xe buýt, sẽ hợp với đất Bắc hơn, tại sao anh lại chọn Sài Gòn để lập nghiệp?
- Tôi không biết nhận xét đó có đúng với mình không nhưng khi ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ được đi xích lô, ngược lại vào Sài Gòn, tôi đã kịp đi xe buýt! (cười). Thực ra, tôi cảm thấy mình có khả năng thích nghi rất tốt. “Nhập gia tùy tục”, tất nhiên mình vẫn phải giữ lại cái chất của mình như anh nói, để mình vẫn là mình, mình không bị “hòa tan” vào cuộc sống mới. Trước đây, tôi cũng từng nghĩ mình hợp với tạng của Hà Nội hơn và thậm chí nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ xa được nơi đây vì trót yêu Hà Nội quá rồi. Mọi sự bắt đầu từ lúc tôi tốt nghiệp đại học. Thời gian đó, tôi gặp phải “cú sốc” ra trường và có khá nhiều chuyện không may xảy ra. Và tôi quyết định vào Sài Gòn để thay đổi không khí. Hơn nữa, lúc đó tôi cũng tự AQ với mình: mình còn trẻ, đi để biết đây biết đó. Lúc trẻ, người ta luôn cho phép mình “dứt khoát mà không cần chính xác” như vậy!
Đến bây giờ, sau gần ba năm sống ở Sài Gòn, tôi bắt đầu thấy yêu thành phố sôi động này. Đó là một thành phố bao dung, công bằng và nhiều cơ hội.
Hồ Huy Sơn nhận giải cuộc thi truyện ngắn do Yume tổ chức.
- Anh đã bao giờ có ý định quay trở lại Hà Nội làm việc?
- Thời gian đầu mới vào Sài Gòn, tôi gặp khá nhiều khó khăn. Trong khi đó, Hà Nội lại luôn đau đáu trong tôi. Vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, tôi đã gom tất cả đồ đạc, xe máy để ra Hà Nội. Tuy nhiên, khi công việc không đúng như trong kế hoạch, lập tức tôi quay lại Sài Gòn. Thành phố này không từ chối bất kỳ ai, kể cả những người từng có ý định bỏ thành phố mà đi như tôi. Đó là sự bao dung, ấm áp mà không phải vùng đất nào cũng có được.
Nhưng đến bây giờ, Hà Nội vẫn là một phần trong trái tim tôi. Bởi ở đó, tôi có nhiều kỷ niệm với bạn bè trong bốn năm theo học tại trường viết văn. Và ở đó, tình yêu với văn chương của tôi đã được chắp cánh.
- Nếu như ở thơ anh mọi người nhìn nhận sự mộc mạc chân tình của không gian làng quê, nơi anh sinh ra và lớn lên, thì ở mảng văn xuôi không gian đô thị lại chiếm chủ đạo, đó là sự chuyển dịch trong sáng tác hay anh làm thơ bằng quá khứ và viết văn bằng hiện tại?
- Trong tập thơ “Ngày lạ”, vẫn có cảm thức của tác giả với cuộc sống đô thị đấy chứ! Đến tập truyện ngắn “Cơm nhà, cơm người”, không gian làng quê vẫn được tôi sử dụng và điều này được thể hiện ngay ở truyện ngắn được chọn làm tên cho cả tập. Trong tác phẩm của tôi, luôn có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, cả hai luôn là chất liệu để tôi hình thành nên tác phẩm của mình. Tôi hoàn toàn không có chủ trương phân biệt điều này.
Tin vào chữ “duyên”
- Khi anh in tập thơ “Ngày lạ”, nhà thơ Lê Minh Quốc trong lời đề tựa đã nhận định “gió đã gọi một mùa đang về” và tiên đoán “Sơn sẽ còn phải đi, đi đến với thơ sau 'Ngày lạ' này”, nhưng thực tế thì sau đó anh đã đi đến với… truyện ngắn. Lê Minh Quốc đã tiên đoán nhầm hay anh vẫn lặng lẽ đến với thơ mà chưa công bố?
- Có lẽ nhà thơ Lê Minh Quốc đã quá ưu ái một cây viết trẻ như tôi nên đã dành tặng những lời như vậy. Tôi hiểu, đó cũng giống như một lời động viên mà nhà thơ Lê Minh Quốc, với tư cách là đàn anh đi trước, nhắn nhủ lớp đàn em. Từng có thời gian, tôi không viết được bài thơ nào; thỉnh thoảng cũng lấy làm giật mình tự hỏi: mình có còn làm được thơ nữa không? Tuy nhiên, sau đó tôi lại làm được thơ, dù không nhiều. Và tôi nghiệm ra, một khi thơ ca đã ngấm vào máu, trở thành nghiệp của mình thì dù có dứt ra bằng cách nào cũng khó mà dứt được. Vì làm không làm thơ nhiều nên việc công bố cũng có phần hạn chế. Nên nếu anh hỏi vậy, vô tình đã “đổ oan” cho nhà thơ Lê Minh Quốc vì anh Quốc đã không tiên đoán nhầm đâu! (cười).
- Anh vẫn thường nói và tin vào một chữ “duyên” trong công việc và lập nghiệp, chữ “duyên” ấy có được áp dụng trong lĩnh vực tình cảm?
- Tôi nghĩ là chữ “duyên” này luôn đúng trong mọi trường hợp. Riêng về chuyện tình cảm, lại càng đúng. Bởi khoan nói tới việc có đi được cùng nhau hay có “happy ending” hay không mà trước hết, hãy xem xem mình có gặp gỡ được nhau không đã. Nếu có duyên chắc chắn sẽ gặp, và ngược lại, không có duyên thì sẽ không gặp. Giả sử đã gặp nhưng không có duyên thì cũng không thể nào mà có “happy ending” được!
- Vậy cuộc sống tình cảm của anh lúc này ra sao?
- Hiện tại, tôi vẫn đang đi tìm chữ duyên đó cho mình.
Thông tin thêm:
Hồ Huy Sơn sinh năm 1985 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tốt nghiệp Khoa Lý luận - Sáng tác - Phê bình, ĐH Văn hóa Hà Nội năm 2009. Đã in: Con trai, con gái (Tập truyện, NXB Kim Đồng, 2007); Ngày lạ (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2009); Cơm nhà, cơm người (Tập truyện, NXB Trẻ, 2012).
Dương Tử Thành thực hiện