- "Chẳng cần nói cũng biết là biểu hiện của tham nhũng. Tham nhũng gián tiếp thông qua việc kiếm thêm khi tổ chức tang ma, cưới hỏi..." - ý kiến của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó trưởng ban Tổ chức Trung ương trước hàng loạt những "phi vụ" liên quan đến việc cán bộ, công chức in tên và chức danh lên thiệp để mời cưới, hỏi, ăn giỗ…
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước hàng loạt những "phi vụ" liên quan đến việc cán bộ, công chức in tên và chức danh lên thiệp để mời cưới, hỏi, ăn giỗ… Nhiều người cho rằng, hiện tượng "nhầm lẫn" việc công và việc tư có xu hướng ngày càng gia tăng này, chính là dấu hiệu của tư lợi, tham nhũng, chạy chức chạy quyền...
Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Dấu hiệu "không bình thường"
- Thưa ông, vừa qua ông có nghe thông tin về những trường hợp cán bộ, công chức in tên và chức danh lên thiệp cưới để mời cưới, hỏi, ăn giỗ, ma chay... không?
Qua báo chí, tôi cũng được nghe phản ánh về những trường hợp như bạn nói. Đầu tiên là chuyện ông phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Cần Thơ tổ chức đám cưới cho con trai, ngoài thiệp mời cũng ghi cả chức danh. Sau đó, cán bộ quản lý thị trường Bạc Liêu in thiếp cưới con có cả tên cơ quan; rồi đến chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Thị ủy Đồng Xoài (Bình Phước) in tên và chức danh lên thiệp mời giỗ mẹ. Theo những người có mặt, đám giỗ được tổ chức rình rang với hơn 20 bàn gồm đông đảo quan chức chủ chốt của thị xã Đồng Xoài, cán bộ công chức các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, xã phường... thuộc thị xã Đồng Xoài và nhiều cán bộ về hưu. Gần đây nhất, phó Văn phòng tỉnh ủy Vĩnh Long cũng "học tập" in tên cơ quan lên thiệp mời cưới hay chuyện báo tang người thân của PGĐ Sở GTVT Hà Nội bằng công văn đến các đơn vị.
Mặc dù, vị phó văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Long cho rằng, có nhiều anh em kháng chiến ở xa lâu ngày không gặp hoặc ở các tỉnh lân cận không biết bây giờ ông làm ở đâu nên in như vậy cho dễ nhận ra, nhưng đó chỉ là biện minh. Theo tôi, trong những sự việc này, chắc chắn có dấu hiệu "không bình thường"?.
- Về trường hợp một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, có văn bản nào quy định về trường hợp đánh công văn gửi các ban ngành thông báo tin buồn không, thưa ông?
Theo quy định, không có thể thức văn bản nào ký tên, đóng dấu cơ quan để dành cho thông báo tin buồn. Chuyện báo tang thường do công đoàn cơ quan gọi điện thông báo mang tính nội bộ hoặc gia đình tự thông báo trên những phương tiện truyền thông đại chúng, trừ những trường hợp người mất thuộc diện được Nhà nước, cơ quan đứng ra tổ chức lễ tang. Thể thức văn bản này thừa lệnh của giám đốc Sở, có dấu của cơ quan công quyền, phải thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao của cơ quan, chứ không phải để giải quyết những quan hệ cá nhân.
Vì vậy, việc ông phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội gửi công văn báo tang là sai thẩm quyền, sai thể thức, nội dung không phù hợp với những thể thức hành chính của cơ quan công quyền. Theo tôi nghĩ, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần nghiêm túc kiểm điểm và xử lý sự việc này.
- Trước hiện tượng có xu hướng lây lan thành "làn sóng" này, quan điểm của ông thế nào?
Rõ ràng, hiện tượng trên không còn dừng lại ở mức cá biệt mà đã thành "làn sóng", các cán bộ "chạy đua", "học tập" lẫn nhau. Vì vậy, chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ, nếu các cơ quan chức năng không kịp thời uốn nắn, ban hành quy chế chặt chẽ thì những hiện tượng không lành mạnh và đúng mực này có nguy cơ tràn lan, gây "thoái hóa biến chất" trong cán bộ, ảnh hưởng xấu trong dư luận...
Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên phó trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Tránh để "con sâu làm rầu nồi canh"
- Nhiều người cho rằng, hiện tượng "nhầm lẫn" việc công và việc tư, quan hệ công tác và quan hệ cá nhân có xu hướng gia tăng này chính là biểu hiện của tư lợi. Vậy theo ông, nguyên nhân ở đây là gì?
Theo tôi, những hiện tượng trên là biểu hiện của việc lợi dụng chức quyền. Người ta lợi dụng văn bản để ràng buộc, tư lợi. Chẳng lẽ, việc sếp mời cưới, mời ăn giỗ... có in chức danh vào thiệp, được gửi đến tận tay lẽ nào lại không đi?
- Đây có phải là biểu hiện của tham nhũng không, thưa ông?
Tất nhiên rồi! Chẳng cần nói cũng biết là biểu hiện của tham nhũng. Tham nhũng gián tiếp thông qua việc kiếm thêm khi tổ chức tang ma, cưới hỏi...
- Đằng sau câu chuyện sếp mời cưới, giỗ, ma chay... này liệu có một sự "thỏa thuận ngầm", lợi dụng quan hệ để chạy chức, chạy quyền không, thưa ông?
Việc lợi dụng quan hệ cưới hỏi, ma chay... để chạy chức, chạy quyền cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Trong Nghị quyết Trung ương IV mới đây cũng nêu rõ, hiện có một bộ phận cán bộ giảm sút ý chí, lòng tin, lợi dụng chức quyền, chạy chức chạy quyền, tham ô, tham nhũng... Thực sự việc chạy chức diễn ra khá nhiều. Đó là điều tệ hại. Niềm tin của người dân với Đảng thì có nhưng niềm tin với một số vị lãnh đạo ở một số cơ quan, ban ngành đã giảm đi rất nhiều do chủ nghĩa thực dụng giờ mạnh quá!
- Vậy cần những biện pháp gì để chấn chỉnh hiện tượng này, thưa ông?
Theo ý kiến của tôi, trước hết với những địa phương để xảy ra hiện tượng này cần nghiêm túc kiểm điểm, xử lý cán bộ liên quan, tránh để "con sâu làm rầu nồi canh", gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Không chỉ dừng lại ở đó, các cơ quan Nhà nước cũng cần ban hành một văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh lại cách làm của cán bộ, công chức, củng cố niềm tin với nhân dân. Nếu cứ để hiện tượng này tái diễn và lan rộng sẽ gây mất niềm tin từ nội bộ ban ngành đến nhân dân.
- Xin cảm ơn ông!
Anh Đức