- “Không có lý do gì để sống, nhưng cũng chẳng có lý do gì để chết. Cách duy nhất để chúng ta thể hiện sự khinh rẻ đối với cuộc đời là chấp nhận nó. Cuộc sống không đáng để bận tâm đến cả việc rời bỏ. Vì lòng từ bi, ai đó có thể dư thừa mối bận tâm về việc phải sống, nhưng còn bản thân họ thì sao? Tuyệt vọng, thờ ơ, phản bội, trung thành, cô đơn, gia đình, tự do, trọng lượng, tiền bạc, nghèo đói, tình yêu, không có tình yêu, giang mai, sức khỏe, giấc ngủ, mất ngủ, ham muốn, bất lực, tầm thường, nghệ thuật, trung thực, vô danh, vô vị, thông minh – chẳng có gì để phải ầm ĩ cả. Chúng ta biết quá rõ rằng những thứ đó là hiển nhiên, chẳng việc gì phải quan tâm đến chúng!”
- Uhm… anh đang nói gì vậy?
- Em dậy rồi à? Không có gì đâu, chỉ là một câu trích dẫn anh vừa đọc được.
- Trời đang mưa hả anh?
- Em chưa tỉnh rồi, lúc nào mà trời không mưa, dụi mắt đi nào.
- Dạ, em nhớ rồi. Ở đây lúc nào trời cũng mưa, và sấm chớp nữa. Nhưng nhờ vậy mà chúng ta sẽ không phải đi đâu nữa, chỉ cần ở lại đây thôi…
- Đến mãi mãi.
- Vâng, đến mãi mãi. Anh ôm em nhé?
- Anh vẫn ôm em đấy thôi, anh luôn ôm lấy em mà!
- Không phải, tay anh đang đặt ở trên giường kìa, em muốn tay anh đặt lên vai em! Em thấy sợ, lỡ như anh biến mất, và em chỉ còn lại một mình. Em không muốn ở đây một mình, em sẽ chết mất, em sợ mưa và sấm chớp.
- Em sẽ không phải ở một mình đâu, anh hứa…
- Kể em nghe về câu trích dẫn đi, nghe có vẻ không vui cho lắm, của một kẻ chán đời hả anh?
- Là một nhà thơ, em nói đúng, có lẽ là một nhà thơ chán đời, hoặc nhìn cuộc sống theo cách khác với mọi người.
- Em có thấy nhà thơ nào nhìn mọi thứ giống những người khác đâu?
- Ông ấy thì rất đặc biệt, để anh nhớ lại tên, Jacques Rigaut, người Pháp, anh cứ nghĩ là nhà thơ Pháp thì bắt buộc phải lãng mạn. Nhưng hình như phạm trù lãng mạn cũng không có nhiều giới hạn như anh tưởng, ông ấy thích chơi đùa với cái chết. Lần đầu tiên anh thấy một người sống và chết như ông ấy, và nó tác động đến anh rất nhiều!
- Em nghĩ là ông ấy đã tự tử, đúng không?
- Anh ngạc nhiên đấy, sao em biết được, em đã nghe qua về ông ta à?
- Không, em chưa hề. Nhưng kết cuộc của những suy nghĩ về cái chết thì thường là cái chết mà. Em chỉ đoán bừa thôi, nhưng em tin là mình đúng. Và nó đã đúng. Nhưng chẳng có gì phải ngạc nhiên cả, nếu em sai, thì em sai thôi, và chúng ta sẽ chẳng phải nói về sự ngẫu nhiên này. Tuy vậy, em vẫn không thấy ấn tượng gì đâu, nếu ông ấy tự tử thì đó là quyền của ông ấy, và mỗi ngày có biết bao nhiêu người tự cho mình quyền đó, có lẽ có nhiều nhà thơ hơn chúng ta tưởng.
- Năm 19 tuổi, Jaques nói với mọi người rằng sẽ tự cho mình 10 năm để sống, và năm 29 tuổi, ông ta làm đúng lời mình nói. Em biết không, ông ấy chọn một ngày đã định trước, và ghim một viên đạn qua tim mình. Ông ấy là thần chết của chính mình từ trước đó 10 năm. Anh nghĩ đó là một điều đáng để suy nghĩ.
- Lần đầu tiên em nghe thấy đấy, em không ngờ là có cách sống này. Anh bận tâm điều gì?
- Vì sao ông ấy lại làm thế?
- Em chưa hiểu, không phải vì ông ấy đã tự quyết định trước rồi sao?
- Là 10 năm em ạ, đó là một thời gian dài, con người sẽ phải thay đổi. Nếu nói rằng là do lòng tự trọng, rằng ông ta là một kẻ giữ lời hứa điên cuồng đi nữa, thì không thuyết phục. Anh đoán rằng Jaques là kiểu người không quan tâm đến dư luận, ông ta sẽ không vì nỗi xấu hổ mà tự tước đi mạng sống. Nếu ông ta không làm theo lời đã nói cũng chẳng ai chú ý và trêu chọc đâu, nếu có người nào đó nói với em: “Nghe này, 10 năm sau tôi sẽ tự tử đấy, tôi sẽ làm điều đó cho xem”, thì em sẽ chỉ cười thầm trong bụng thôi. Em sẽ quên ngày sau ngày thứ hai, và vì hiển nhiên là gã đó sẽ không làm như thế, em sẽ chẳng nhớ nổi đã từng có một việc như vậy xảy ra sau đó 10 năm. Người ta chỉ bận rộn với cuộc sống của mình. Anh nghĩ Jaques thừa biết điều đó.
- Biết đâu là một sự ngẫu nhiên hả anh? Thời điểm ông ta gặp một vấn đề gì đó trong cuộc sống, khiến ông ta muốn ra đi, rồi bỗng nhớ lại lời hứa của mình khi trước. Em hiểu cảm giác đó, ông ta thấy giống như số phận đã sắp đặt sẵn và ta có thể cảm thấy được. Rồi chúng ta hoàn toàn tin vào nó, và chúng ta thực hiện nó. Khi một ý tưởng được cấy vào đầu rồi thì nó sẽ bám rễ vĩnh viễn ở đó, anh biết mà.
- Cũng có thể. Nhưng anh tin vào một cuộc tìm kiếm hơn.
- Một cuộc tìm kiếm?
- Phải, ông ta tự cho mình 10 năm để tìm ra ý nghĩa để sống. Rằng ngay từ năm 19 tuổi, đầu óc của Jaques đã vượt qua những giới hạn suy nghĩ bình thường. Ông ta thấy mọi thứ đều vô nghĩa, cần gì sống khi phải chết đi? Điều gì ở thế giới này, giữa những phạm trù đạo đức, phạm trù xã hội, giữa những thứ đẹp và không đẹp, tất cả đều phù phiếm đối với cái chết, ông ta muốn tìm một điều gì đó có nghĩa để giữ bản thân mình lại trên đời. Thời hạn đến và tiếc thay, Jacques không tìm được. Một cuộc kiếm tìm bản thân, em biết một câu trích dẫn nổi tiếng khác của ông ấy là gì không?
- Ôi, em xin lỗi!
- Sao thế em?
- Anh… anh ôm em chặt hơn được không, tay anh lại rời khỏi em…
- Anh xin lỗi nhé, anh không để ý. Em lạnh à?
- Không ạ, chỉ là, mỗi khi anh nói về những thứ này, em lại thấy anh xa rời em hơn, và em thề, có lúc em thấy anh đang tan đi, trong suốt như thủy tinh. Em không muốn mạo hiểm, em xin lỗi…
- Không sao mà, anh sẽ không bao giờ xa em. Anh sẽ ở đây và ôm em, sẽ giúp em qua cơn mưa bất tận này.
- Vì sao anh phải nghĩ nhiều đến điều đó hả anh? Nó có ích gì đâu, sao anh phải quan tâm đến một người đã chết rất lâu rồi, và việc người đó nghĩ gì về cái chết, đâu có liên quan gì ở căn phòng này, phải không anh?
- Anh không biết, chỉ là, anh thấy những mối liên hệ. Anh thấy một người cũng có mối quan tâm giống mình, anh cũng muốn biết ý nghĩa cuộc sống này, vì sao anh ở đây, và anh sẽ về đâu, về sự sống, về cái chết, về linh hồn và tất cả những thứ đó. Nhưng trên tất cả, anh muốn biết về bản thân mình, mình là ai, “tôi” là ai, có lẽ đó là câu hỏi khó trả lời nhất.
- Em…
- Em nói gì cơ?
- Không có gì ạ! Anh cứ tiếp tục đi!
- Sao em lại buồn đến thế? Anh làm em buồn hả, anh có nói sai chỗ nào không, cho anh biết đi, anh sẽ không lặp lại nữa. Hay em ghét chủ đề này?
- Dạ không ạ, là em thôi, em biết câu trả lời của mình cho những câu hỏi ấy…
- Kể anh nghe được chứ?
- Em nghĩ là không nên, vì nó… chán lắm, và anh sẽ không thích đâu!
- Anh sẽ thích mà!
- Anh không thích đâu! Anh nói tiếp về câu trích dẫn của Jaques đi, em muốn nghe!
- Anh thích mọi thứ về em, em hãy tin thế nhé, lúc nào đó hãy nói với anh. Được rồi, Jaques nói thế này: “Đừng quên rằng tôi không thể nhìn thấy chính bản thân mình, rằng vai trò của tôi đã bị giới hạn vào việc trở thành người tôi nhìn thấy trong gương”
- Em thấy nó sáo rỗng quá!
- Uhm, nhưng nó đúng đấy chứ! Em đâu thể trở thành ai khác ngoài chính mình. Em đâu thể lựa chọn mình cao hay thấp, xinh đẹp hay xấu xí, da trắng hay da màu, em cũng không thể chọn được nơi mình sinh ra và cả bố mẹ, giàu hay nghèo. Mỗi chúng ta được sắp đặt để trở thành một ai đó, và vĩnh viễn, chúng ta không thể vượt qua được giới hạn ấy.
- Anh thích sao?
- Không, không thể nói là anh thích. Nếu anh đọc được vào một thời điểm khác, nếu là của một ai khác, anh cũng sẽ thấy nó vớ vẩn và sáo rỗng. Nhưng cuộc sống người đàn ông này gắn cho nó một ý nghĩa mà anh không thể thờ ơ được.
- Anh thấy gì ở nó?
- Anh cũng không biết nữa, anh chỉ đang cố gắng giải nghĩa, anh cảm thấy điều gì đó không rõ, nhưng chắc chắn sẽ quan trọng. Thường thì người ta không thể chọn được cách chết và thời điểm chết, người đàn ông này thì có, xét theo cách nào đó, ông ta đã sống đủ đầy hơn hầu hết mọi người. Em có thể bỏ phí thời gian khi không biết mình còn bao nhiêu, nhưng em sẽ không thể bỏ qua một phút giây nào nếu em biết được tổng số. Anh không đủ dũng cảm như Jacques để tự quyết định, nhưng phần nào, anh cũng thấy mình đáng thương.
- Có gì mà đáng thương hả anh?
- Sống từng ngày mà không biết ngày nào là cuối cùng, nó mang đến một cảm giác lạc lõng. Đôi khi những thứ em dự định đặt xa hơn cái mốc mà em đã phải dừng lại, em sẽ không bao giờ thấy nó.
- Vậy thì mọi người đều đáng thương, đúng không anh?
- Đúng vậy, mọi người đều đáng thương!
- Em cũng đáng thương!
- Đúng vậy, em đáng thương, và vì vậy anh rất thương em.
- Anh… dẻo miệng quá hà!
- Anh giỡn chút xíu, em cười rồi kìa. Em đừng xem những suy nghĩ này là nghiêm trọng nhé, một thói quen thích suy tư của anh thôi, sẽ chẳng thay đổi được gì cả. Anh cũng không muốn thay đổi, anh và em, ở đây cho đến khi hai chúng ta mục ruỗng cả ra, già đi và chết. Hay căn phòng này sụp đổ, hay một căn bệnh, hay cả những thứ viễn tưởng nhất. Chẳng có gì khác cả, kết quả là như nhau, cũng như một viên đạn xuyên qua tim mà thôi.
- Chúng ta luôn phải học cách yêu từng ngày mà anh, điều gì cũng phải học. Em thà làm kẻ ngu ngơ để biết yêu từng ngày sống, hơn là thông minh để mất thời gian suy nghĩ về cái chết mọi lúc. Em nghĩ cuộc sống không đủ để vừa đi cùng nó, lại vừa nghiên cứu nó đâu.
- Anh đồng ý, cám ơn em. Nếu không có em ở bên, anh không biết mình đã trở thành cái gì rồi, cứ mãi lạc trong những thứ vu vơ…
- Không sao ạ, em cũng thích nghe anh nói mà, bất cứ điều gì. Chỉ cần anh ôm em như thế này, em thấy ấm áp lắm. Em nghe anh nói đến một ngàn năm sau cũng được.
- Thực ra, anh cũng muốn nghe em nói, anh muốn biết câu trả lời của em cho những câu hỏi lúc nãy.
- Em không nói đâu…
- Nói đi mà. Nếu không trời sẽ tạnh mưa đấy!
- Trời sẽ không tạnh mưa đâu, em biết mà, không bao giờ tạnh cả!
- Nói đi mà, sấm chớp sẽ đánh vào đây cho xem!
- Đừng lừa em, không có tia chớp nào đánh ngang cả, em không ngốc đến mức đó đâu. Mà có đánh vào thật thì anh cũng chết cháy cùng em, anh đang chạm vào em mà. Em không sợ!
- Vậy thì, chắc anh phải buông tay ra thôi, tay anh mỏi rồi này… này, này, chắc phải buông ra thôi…
- Em nói mà! Em nói mà! Em nói mà! Đừng buông em ra, anh lại trong suốt rồi kìa!
- Vậy là gì hả em, em là ai, em đang làm gì, em sẽ về đâu, mục đích của em là gì, ý nghĩa của em là gì?
- Cho em đặt mái đầu lên đây nhé, chỗ mà viên đạn sẽ đi qua ấy?
- Uhm, được chứ!
- Em lạnh quá, em sẽ đặt ở đây lâu một chút nhé? Em sẽ ngủ đấy!
- Một ngàn năm nữa cũng được. Vậy là gì nào?
- …
- Gì nào?
“Là anh!”